Băng tải cao su hay còn gọi là băng chuyền cao su. Đây là loại băng tải dùng phổ biến nhất hiện nay trong công nghiệp. Có nhiều loại như băng tải cao su gân V, băng tải cao su chịu nhiệt, băng tải cao su lòng máng, mặt trơn,... Chi tiết đặc điểm, cấu tạo, giá băng tải cao su, mời khách hàng tham khảo dưới đây.
1) Băng tải cao su là gì?
Băng tải cao su là loại băng tải chế tạo bằng vật liệu cao su. Thiết bị dùng để vận chuyển vật liệu từ địa điểm này đến địa điểm khác tự động. Băng tải giúp thay thế sức người hay các vật dụng vận chuyển truyền thống như xe rùa, xe đẩy, xe nâng,...
So với các loại băng tải khác, băng chuyền cao su có nhiều ưu điểm hơn. Điển hình là giá thành rẻ, đa dạng kích thước và kiểu dáng. Băng tải cao su đặc biệt phù hợp tải sản phẩm nặng, dễ đổ vỡ hoặc phải làm việc ngoài trời, môi trường công nghiệp khắc nghiệt.
Nhiều người khi nhắc đến băng tải cao su nhầm lẫn với dây băng tải cao su. Loại dây này được bán riêng, thay thế khi dây băng tải cũ hỏng hoặc hết thời gian sử dụng. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến hệ thống băng tải nguyên cụm làm bằng cao su.
2) Ứng dụng băng tải cao su
Với độ bền vượt trội, khả năng chống mài mòn và tính linh hoạt cao, băng tải cao su được ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Điển hình như:
- Công nghiệp thực phẩm: vận chuyển thực phẩm trong sản xuất, đóng gói như ngũ cốc, rau củ, thịt cá, đồ hộp,...
- Công nghiệp hóa chất: vận chuyển chai lọ thành phẩm, nguyên liệu sản xuất hóa chất như axit, kiềm, chất xúc tác, chất ăn mòn,...
- Khai khoáng: Vận chuyển khoáng sản, quặng mỏ từ khu vực khai thác đến xe tải và chuyển vào khu vực xử lý.
- Luyện kim: Vận chuyển và xử lý quặng, sản phẩm trung gian và thành phẩm cuối của quá trình sản xuất
- Công nghiệp tái chế: vận chuyển, xử lý vật liệu tái chế như nhựa, giấy, thủy tinh,...
3) Ưu điểm băng tải cao su
Băng tải cao su có nhiều ưu điểm nổi bật như:
- Khả năng chịu mài mòn tốt, kể cả môi trường nhiều hóa chất, độ ẩm cao hoặc ngoài trời
- Khả năng chịu nhiệt tốt, làm việc tốt trong dải nhiệt thông thường trong các nhà máy
- Chịu được độ ẩm, hóa chất, không bị mốc hỏng
- Tỉ lệ co giãn theo chiều dọc thấp, không bị biến dạng trong môi trường làm việc
- Trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển, giảm công suất motor, từ đó giảm tiêu thụ điện
- Dễ chế tạo theo hình dáng, kích thước khó, kể cả các đường gấp khúc
4) Nhược điểm băng tải cao su
- Băng tải cao su dùng trong lĩnh vực thực phẩm ở trong nước có giá thành khá cao do công nghệ sản xuất còn hạn chế
- Không phải loại băng tải cao su nào cũng phù hợp trong sản xuất thực phẩm
- Hạn chế tải ở các khúc cua
- Tốc độ tải thường chậm do dễ gây lệch trục
5) Cấu tạo băng tải cao su
Cấu trúc chính của băng tải cao su gồm các bộ phận sau:
- Dây băng tải cao su: Đây là phần quan trọng nhất của hệ thống, chịu trọng lượng và có nhiệm vụ vận chuyển. Dây băng tải được làm từ cao su tự nhiên hoặc cao su tổng hợp như cao su nitrile, cao su EPDM, cao su butyl, cao su silicone,... Bề mặt dây có thể trơn, có gân theo hình dạng đặc thù.
- Lớp cốt (sợi bố, sợi vải gia cường): Dưới lớp cao su thường có lớp cốt bên trong để tăng độ bền và độ đàn hồi của băng tải. Cốt có thể là sợi bố hoặc lớp vải gia cường.
- Lớp che phủ: để bảo vệ băng tải khỏi tác động của môi trường và cung cấp sự bám dính trong quá trình vận chuyển. Lớp che phủ thường là cao su chịu mài mòn hoặc vật liệu chịu ăn mòn khác.
- Móc nối: để nối các đoạn băng tải lại với nhau, đảm bảo đồng nhất và liên tục.
- Khung và hệ thống hỗ trợ: dây băng tải cao su được đặt trên khung để duy trì độ căng và hoạt động ổn định.
- Động cơ giảm tốc: gồm động cơ điện và hộp giảm tốc cung cấp chuyển động cho băng tải thông qua hệ thống pulley hoặc bánh răng.
- Bộ phận khác: bảng điều khiển, nút dừng khẩn cấp,...
6) Nguyên lý hoạt động băng tải cao su
Nguyên lý hoạt động của băng chuyền cao su là dựa trên truyền động cơ từ động cơ giảm tốc đến dây băng tải. Cụ thể quá trình làm việc như sau:
- Động cơ điện cung cấp chuyển động cho hệ thống thông qua trục hoặc hệ thống pulley, bánh răng dưới băng tải. Động cơ dùng trong băng tải thường là động cơ giảm tốc để tăng momen xoắn, giảm tốc độ quay.
- Bánh răng cùng hệ thống truyền động dưới băng tải có vai trò hỗ trợ và định hướng chuyển động cho băng tải. Trục con lăn được gắn cố định để đảm bảo độ căng cho băng tải.
- Động cơ chuyển động kéo dây băng tải chuyển động theo. Vật liệu, hàng hóa được đặt trên dây băng tải được chuyển từ điểm đầu đến điểm đích.
7) Phân loại băng tải cao su phổ biến nhất
a) Băng tải cao su gân V
Băng tải cao su gân V là loại mà trên bề mặt băng tải được tạo gân để tăng tính ma sát. Đây là loại băng tải cao su được sử dụng rất nhiều. Ứng dụng của chúng thường trong cụm băng tải lên - xuống dốc. Ví dụ như băng tải di động tải hàng lên container, xe tải, xe nâng,...
Đặc điểm:
- Dây băng tải cao su gân V thường có màu đen, khổ rộng là B500, B600, B650, B800, B1000, B1200
- Trong dây có lớp vải gia cố, còn gọi là vải bố độ dày từ 3Px7, 4Px 8 - 8.5, 4Px9, 5Px10, 6Px12, chiều cao từ 5 - 30 mm
- Con lăn đỡ thường bằng thép mạ kẽm, khung bằng thép có thể sơn tĩnh điện
- Truyền động bằng đai hoặc nhông xích, từ động cơ giảm tốc đến dây băng tải
- Có 2 loại băng tải gân V cố định và di động, tính linh hoạt khác nhau
b) Băng tải cao su chịu nhiệt
Băng tải cao su chịu nhiệt là loại có cấu trúc đặc biệt, dệt chặt từ sợi cao su. Có 2 loại thiết kế là băng tải dạng thẳng và dạng nghiêng, lắp cố định vào hệ thống.
Đặc điểm:
- Thường dùng để tải vật liệu dạng phân tán như hạt, bột, khối nhỏ hoặc kể cả chất lỏng dễ rơi vãi
- Khả năng chịu nhiệt tốt nên có thể dùng trong quy trình sấy, nung, làm khô vật liệu, tối đa lên tới 200 độ C
- Vật liệu chế tạo dây băng tải thường là EPDM, độ đàn hồi và ma sát tốt
- Trên bề mặt băng tải có thể được phủ lớp chống dính, có độ bóng nhẹ
c) Băng tải cao su bố vải
Băng tải cao su bố vải là loại băng tải có thêm các lớp cốt bằng sợi bố vải. Lớp này có vai trò làm tăng độ bền, tính ổn định của băng tải. Trên thị trường hiện nay phổ biến loại băng chuyền cao su có 3 hoặc 5 lớp bố vải.
Đặc điểm:
- Ít bị co giãn, khả năng chống thấm, chống nước tốt
- Khả năng chịu tải tốt hơn so với các loại băng tải cao su không có lớp bố
- Khả năng chịu nhiệt tốt, tối đa lên tới 150 độ C
- Khả năng chịu va đập mạnh tốt, phù hợp vận chuyển hàng hóa nặng như đất đá, khoáng sản.
d) Băng tải cao su lòng máng
Băng tải cao su lòng máng hay lồng máng là loại có thiết kế đặc thù. Con lăn đỡ được đặt phía dưới, dây băng tải cong lên tạo hình chữ V. Hình dạng băng tải tương tự như lòng máng hứng nước, đựng và giữ hàng hóa tốt hơn.
Đặc điểm:
- Dây băng tải làm bằng cao su thường có độ dày lớn, từ 5, 8, 10mm
- Dây băng tải có thể là dạng mặt trơn hoặc gân V để tăng ma sát
- Thường ứng dụng để tải dạng hàng rời, hàng xá hoặc sản phẩm dạng bột như cát, khoáng sản, đất đá,...
e) Băng tải cao su mặt trơn
Băng tải cao su thiết kế mặt trơn được dùng rất phổ biến. Có 2 loại phổ biến là băng tải trơn đen và băng tải trơn trắng với ứng dụng khác nhau.
Đặc điểm:
- Bề mặt dây băng tải thiết kế trơn, độ ma sát không quá tốt nên thường dùng trong hệ thống băng tải chạy ngang
- Băng tải cao su trơn đen, kháng nhiệt, thường dùng trong lĩnh vực khai khoáng
- Băng tải cao su trơn trắng, dễ vệ sinh, thường dùng trong lĩnh vực thực phẩm
8) Đặc tính kỹ thuật băng tải cao su
Khi gia công hay đặt hàng băng tải cao su, thống nhất thông số kỹ thuật là rất quan trọng. Trong đó các thông số cần chú ý bao gồm:
- Bản rộng dây băng tải
- Độ dày băng tải: 1mm, 2mm, 3mm, 5mm, 8mm, 10mm, 20mm,...
- Số lớp bố: 1, 2, 3 lớp…
- Độ dài chu vi băng tải
- Thiết kế mặt dây băng là mặt trơn, gân V, có riềm tai bèo hay ép cánh gạt,...
Cùng tìm hiểu chi tiết 1 số đặc tính kỹ thuật của băng chuyền cao su dưới đây:
a) Độ dày dây băng tải cao su
Băng tải cao su trong công nghiệp thường sử dụng là loại đen, độ dày từ 5mm, 8mm, 10mm hoặc 15 mm. Với loại có cấu trúc gân V, thêm gân V thường cao 5mm, băng tải thường dày từ 8mm trở lên. Như vậy tổng độ dày dây băng tải gân V thường đạt từ 13mm, 15mm hoặc 20mm.
b) Phụ kiện dây băng tải cao su
Băng chuyền cao su cũng có các phụ kiện hỗ trợ làm việc. Điển hình như tai bèo, cánh gạt, gân dẫn hướng, gân định vị, riềm biên,... Thông thường phụ kiện này có thể tự chế dễ dàng theo yêu cầu.
c) Chỉ số EP của băng tải cao su
Chỉ số EP là lực chống co giãn của các lớp bố gia cố trong lòng dây băng tải cao su. Các nhà sản xuất thường ghi trực tiếp chỉ số này trên sản phẩm. Hiểu đơn giản thì khi tác động lực kéo đạt đến chỉ số EP này sẽ gây đứt băng tải.
Ví dụ: Băng tải cao su có EP là 500/5, nghĩa là dây có 5 lớp bố. Lực kéo phương ngang theo chiều dọc dây băng tải có chiều rộng 1m tương đương 50 tấn.
d) Số con lăn băng tải cao su phù hợp
Băng tải cao su cần có hệ thống con lăn đỡ ở các đầu để cố định dây. Thông thường cần 2 - 3 con lăn mỗi trục băng tải. Loại bản rộng băng tải lọt lòng từ 600mm trở xuống thì có thể làm 2 con lăn. Còn loại trên 700mm thì cần 03 con lăn để đảm bảo tính ổn định.
Khoảng cách mỗi trục đỡ con lăn trên băng tải thông thường từ 400 - 800mm. Tùy theo độ dày dây băng tải và tải trọng mà sắp xếp hợp lý.
e) Vật liệu khung sườn băng tải cao su
Khung sườn thường làm bằng thép, có thể sơn tĩnh điện để đảm bảo hoạt động tốt trong môi trường công nghiệp. Khung sườn inox thường không chịu tải được với băng chuyền cao su giống như các dòng băng tải nhẹ khác.
9) Bảng giá băng tải cao su
Băng tải cao su nguyên khối lắp đặt trong nhà máy hoặc xưởng sản xuất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể gồm: vật liệu, kích thước, đơn vị sản xuất, xuất xứ trong nước hay nhập khẩu, tỉ giá USD,... Dưới đây là bảng giá băng tải cao su trung bình trên toàn quốc, mời khách hàng tham khảo.
- Giá băng tải cao su nguyên cụm: từ 200 - 500 triệu đồng/ hệ thống
- Giá băng tải cao su trơn khổ B500 X 4P X 8T: từ 225.000 - 260.000 VND/mét
- Giá băng tải cao su gân V khổ B650 x 5P X 10T: từ 300.000 - 450.000 VND/mét
- Giá băng tải cao su chịu nhiệt Heesung B600 x 5P X 10T: từ 330.000 - 360.000 VND/mét
- Giá băng tải cao su chống cháy Heesung B800 x 5P X 10T: từ 400.000 - 500.000 VND/mét
Trên đây là thông tin về băng tải cao su. Mời khách hàng tham khảo thêm các loại băng tải phổ biến khác dưới đây.